Máy nén lạnh công nghiệp là loại máy nén đặc biệt với công suất lớn. Nó được dùng trong kỹ thuật lạnh để hút hơi ở áp suất thấp nhiệt độ thấp sinh ra ở dàn bay hơi nén lên áp suất cao để đẩy vào dàn ngưng tụ, đảm bảo sự tuần hoàn môi chất một cách hợp lý trong hệ thống lạnh. Máy nén là bộ phận quan trọng nhất của hệ thống lạnh. Công suất, chất lượng, tuổi thọ và độ tin cậy của hệ thống lạnh chủ yếu đều do máy nén lạnh công nghiệp quyết định. Có thể so sánh máy nén lạnh có chức năng và có tầm quan trọng giống như trái tim của cơ thể sống.
1. Phân loại máy nén lạnh
Trong kỹ thuật lạnh, người ta sử dụng hầu như tất cả các nguyên lý và kiểu loại máy nén khác nhau nhưng các máy nén thông dụng nhất hiện nay là: máy nén pit tông, trục vít, rô to, xoắn ốc làm việc theo nguyên lý nén thể tích và máy nén turbin làm việc theo nguyên lý động học.
Theo nguyên lý thể tích thì quá trình nén được thực hiện nhờ sự thay đổi thể tích giới hạn bởi xilanh và pittông khi pittông chuyển động lên. Theo nguyên lý máy nén động học, áp suất tăng lên là do động năng của dòng hơi biến thành thế năng.
Tuy nguyên lý nén khác nhau nhưng qua nghiên cứu người ta thấy kết quả nhiệt động của 2 quá trình là hoàn toàn giống nhau. Máy nén Pittong dùng cho các công suất lạnh, trung bình và lớn. Với một cấp nén, tỷ só nén có thể đạt 9,10, cao nhất là 12. Nếu cần tỷ số cao hơn có thể dùng 1,2,3 cấp nén. Máy nén trục vít với một cấp nén có thể đạt tỷ số nén đến 20 nên rất thuận lợi để thay thế các máy lạnh pit tông 2 cấp rất cồng kềnh mà hệ số lạnh vẫn đảm bảo. Máy nén trục vít sử dụng cho các công suất lạnh trung bình và lớn với độ tin cậy cao.
Máy nén turbin sử dụng cho các công suất lớn và rất lớn ( thường dùng trong các máy làm lạnh nước công suất hàng triệu kcal/h). Tỷ số nén của máy nén turbin phụ thuộc chủ yếu vào môi chất, môi chất có phân tử lượng càng cao. Tỷ số nén càng cao. Các môi chất có tỷ số nén cao (=4:5) là R12, R11, R123. Amoniac có tỷ số nén quá thấp (1,3:1,4) do đó không được sử dụng trong máy nén turbin.